TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

VIỆN ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG

  Lượt xem: 3398

HỘI THẢO KHOA HỌC: “MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VÀ QUẢN TRỊ TRONG MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ”

TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC

“MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VÀ QUẢN TRỊ TRONG MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ”

Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, những người làm công tác quản lý nhà nước, công tác thực tiễn, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trao đổi về các vấn đề và giải pháp pháp lý để hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ” vào sáng ngày 9/10/2020, tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành Quận 4.
---------------------------
Hội thảo đón tiếp sự hiện diện của Bà Phan Thị Bình Thuận – Phó Giám đốc Sở tư pháp TP.HCM, TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trường Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ông Phạm Đình Đức – Phó Trường phòng…Sở Giao thông vận tải; Ông Trần Thanh Giang Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Công Phú – Nguyên Phó Chánh án Tòa án Kinh tế TAND TP.HCM; PGS.TS Bành Quốc Tuấn – Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế Tài chính; TS. Lê Ngọc Bích – Trưởng khoa Luật Đại học Mở; các Trưởng, Phó khoa Luật Đại học Mở, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng, Đại học HUTECH và sự hiện diện của các cơ quan nhà nước Tòa án, Viện kiểm sát, Thuế; Văn phòng luật sư; Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đại diện của các doanh nghiệp và đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí.

Về phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình – Trường Khoa Luật Thương mại, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong những năm gần đây ở Việt Nam và các nước trên thế giới, mô hình kinh tế chia sẻ giúp tận dụng các nguồn lực còn nhàn rỗi; mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh trong mô hình kinh doanh truyền thống và các chủ thể khác có liên quan. Chính vì vây, hy vọng rằng với các vấn đề được trao đổi tại Hội thảo sẽ giúp cho Ban tổ chức tổng hợp được những ý kiến quý giá cho việc nghiên cứu và hoạch định chính sách trong thời gian sắp tới.

Đồng phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định, vấn đề quan trọng nhất khi điều chỉnh khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ là làm sao để cân bằng giữa thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức kỳ vọng có thể giải quyết được 2 vấn đề lớn:
- Thứ nhất: xác định nội hàm, phân tích bản chất, đặc điểm đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp.
- Thứ hai: thảo luận những vấn đề pháp lý xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện nay trong việc điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ mô hình kinh tế này như quan hệ giữa các bên tham gia vào hoạt động kinh tế chia sẻ, các vấn đề về thương mại điện tử, cạnh tranh, lao động, thuế, vấn đề sở hữu và bảo vệ thông tin người dùng,..

Phiên thứ nhất được tiến hành thông qua 3 bài tham luận của các học giả gồm:
- “Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam: Quan điểm, thực trạng và con đường phía trước” của ông Nguyễn Hoa Cương (CIEM)
- “Điều chỉnh bằng pháp luật đối với mô hình kinh tế chia sẻ” của PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình (ĐHL)
- “Pháp luật thuế đối với kinh tế chia sẻ” của TS. Phan Phương Nam (ĐHL)

PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình đã phân tích bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ, qua đó khẳng định sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với mô hình kinh tế này, trong đó nhấn mạnh tới ba vấn đề cần được ưu tiên giải quyết (a) các nghĩa vụ cơ bản các chủ thể tham gia, (b) nghĩa vụ thuế của các chủ thể tham gia đối với nguồn thu nhập hoặc lợi nhuận; và (c) vấn đề quyền lợi của người lao động.

Các diễn giả và cử tọa đã trao đổi sôi nổi về phạm vi và mức độ điều chỉnh của pháp luật đối với hoạt động chia sẻ nguồn lực dư thừa của người cung ứng dịch vụ, trách nhiệm và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối.

Trong phần tham luận về “Pháp luật thuế đối với kinh tế chia sẻ”, TS. Phan Phương Nam đề cập phân tích những khó khăn đặt ra từ mô hình kinh tế chia sẻ đối với hoạt động quản lý thuế của Nhà nước đồng thời đưa ra các kiến nghị để dần hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý thuế, đặc biệt là đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Phiên thứ hai của Hội thảo khoa học tiếp diễn với 4 bài tham luận:
- “Kinh tế chia sẻ: Nguồn gốc, định nghĩa, tác động của mô hình kinh doanh này đối với vấn đề lao động” của PGS.TS. Trần Việt Dũng (ĐHL)
- “Tác động của hành lang pháp lý hiện nay đối với hoạt động ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ: Thực trạng và đề xuất” của ông Đặng Hoàng Linh (Gojek)
- “Giải pháp ứng dụng hỗ trợ nhu cầu tài chính cấp bách cho nhân viên” của ông Trần Đại Dương (Interloan)
- “Mô hình kinh tế chia sẻ từ Luxstay – Home sharing của người Việt: Thực trạng pháp lý và đề xuất”.

Bàn về mối quan hệ giữa người cung ứng dịch vụ trong quan hệ với nhà cung cấp nền tảng chia sẻ (platform), PGS. TS. Trần Việt Dũng cho rằng mô hình kinh tế GIG - nền tảng chia sẻ cho người lao động tự do (mô hình kinh doanh của Uber, Grab, Lyft, Kitchensurfing…) rất gần với quan hệ lao động chứ không phải là quan hệ người làm việc với hợp đồng độc lập (mặc không hội đủ các tiêu chí của quan hệ lao động truyền thống). Nếu đặt người lao động ngoài phạm vi điều chỉnh của bộ luật lao động thì họ sẽ bị nhiều thiệt thòi, ví dụ như không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bị lạm dụng. Các chuyên gia đồng ý rằng quan điểm này mặc dù còn chưa được thống nhất trên thế giới, nhưng cũng đã được nhiều tòa án của châu Âu, Mỹ công nhận; và cũng không nên lo sợ doanh nghiệp rời bỏ thị trường, vì hiện nay các doanh nghiệp công nghệ còn khai thác một giả trị rất lớn của nền tảng chia sẻ đó là dự liệu cá nhân.

Một số tham luận cũng đã đề cập tới vấn đề sự cần thiết của việc kiểm soát thông tin cá nhân, quyền riêng tư trong nền kinh tế số. Bản thân dự liệu là một tài sản to lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh của sự phát triển công nghệ kỹ thuật số và vì vậy phải được kiểm soát và điều chỉnh hợp lý. Có một số quan điểm cho rằng “big data” hình thành trong nền kinh tế chia sẻ là tài nguyên của quốc gia, không phải tài sản tư và cần được kiểm soát bởi nhà nước.

Khép lại Hội thảo, các chuyên gia đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh tế này một cách phù hợp, hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp nền tảng công nghệ và cả vấn đề an ninh quốc gia khi đề cập đến việc bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng các nền tảng kết nối kỹ thuật số.
---------------------------
Nguồn: Fanpage Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh