TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

VIỆN ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG

  Lượt xem: 2927

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ “HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHI THƯƠNG MẠI”

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

“HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHI THƯƠNG MẠI”

Hiện nay, xu hướng ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ngày càng phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu về vấn đề phi thương mại trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vào ngày 02/10/2020, tại Hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại” nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác khoa học với Quỹ Rosa – Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á.
--------------------------------
Hình thức hội thảo được tổ chức kết hợp giữa phương thức offline tại hội trường và online qua nền tảng Zoom với các chuyên gia của trường Đại học Conventry – UK, Đại học Monreal - Canada, Đại học Laussane – Thụy Sĩ, Đại học Ngoại thương Hà Nội... Đây là phương thức Nhà trường đổi mới để ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID–19. Phương thức kết hợp này vừa tạo nên nét mới lạ, thu hút người tham dự, vừa đảm bảo sự trao đổi về khoa học với các chuyên gia quốc tế được diễn ra an toàn trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Hội thảo đón nhận sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế. Về phía Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á, có sự tham gia của ông Philip Degenhardt – Tổng Giám đốc Quỹ Chính trị Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á và ông Nguyễn Văn Tùng – Giám đốc Dự án Quỹ Chính trị Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á.

Về phía các chuyên gia ngoài trường, có sự góp mặt của ông Nguyễn Quốc Trí – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; bà Kim Thị Hạnh – Phó Ban Thường trực Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh; TS. Đào Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm pháp luật Hoa Kỳ - Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG-HCM cùng các giảng viên, học giả đến từ các Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM và Đại học Ngoại Thương.

Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM gồm có PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường; PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; ThS Huỳnh Thị Thu Trang - Phó Trưởng Phòng HTQT-CNKH; ThS. Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngắn hạn; TS. Lê Thế Tài – Phó chủ tịch Công đoàn trường, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên; ThS. Nguyễn Tú Anh - Phó Phòng Thanh tra; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế; ThS. Đoàn Xuân Quang - Phó trưởng phòng HC-TH cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải bày tỏ hy vọng rằng với các vấn đề được trao đổi tại hội thảo, ban tổ chức và các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài trường có thể tổng hợp được nhiều ý kiến quý giá trong việc nghiên cứu và hoạch định chính sách của Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.

Nối tiếp bài phát biểu khai mạc, ông Phillip Degenhardt cũng nêu những đánh giá sâu sắc về tác động của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, bên cạnh các tác động tích cực về mặt kinh, vẫn tồn tại một số vướng mắt về tình hình phi thương mại, được thể hiện qua các vấn đề tài nguyên – môi trường của các quốc gia như Brazil, Indonesia và Malaysia. Tại Việt Nam, việc đàm phán thành công 13 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại sự đa dạng về quan hệ thương mại và tạo ra nhiều cơ hội lao động cho nguồn nhân lực trẻ. Tuy nhiên, việc xác định các tác động dài hạn mang tính phi thương mại mà các Hiệp định này mang đến vẫn còn là một bài toán nan giải.

Mở đầu cho phiên thảo luận buổi sáng, bằng bài thuyết trình trực tuyến của mình, GS. David Ong – Trường Đại học Nottingham Trent (Vương quốc Anh) đã nêu quan điểm rằng các Hiệp định thương mại tự do đang tiến dần đến việc cân bằng giữa mục tiêu thương mại và các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng khi tham gia vào các FTA các quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ phải đối mặt với các cam kết phi thương mại vốn là chuẩn mực trong hệ thống pháp luật giá trị xã hội của các nước phát triển, như tiêu chuẩn và quy định môi trường, lao động, minh bạch, an toàn sức khoẻ... Mặc dù các FTA thế hệ mới tạo ra những cơ hội phát triển thị trường, những khía cánh phi thương mại trong các quy định của các hiệp định này sẽ tạo ra những thách thức cho các nước đang phát triển và buộc họ sẽ phải nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, quy định liên quan.

Sau đó, bài tham luận về tác động của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật Việt Nam trong hai lĩnh vực lao động và môi trường của TS. Đào Gia Phúc, đã đặt ra câu hỏi: Nhà lập pháp cần phải điều chỉnh các chính sách nội địa thế nào để vừa có thể tận dụng tối đa các lợi ích về kinh tế mà Hiệp định mang lại, vừa đảm bảo được các chính sách an sinh xã hội hoạt động hiệu quả?

Các diễn giả Sebastien Lafrance, ThS.NCS. Lê Tấn Phát, TS. Vũ Kim Ngân, sau đó phân tích về những giá trị phi thương mại và nguyên tắc để bảo đảm cân bằng giữa các giá trị thương mại và phi thương mại. TS. Nguyễn Ngọc Hà đã phân tích về quy định về tham gia của công chúng trong FTA thế hệ mới và vai trò của chế định này đối với quá trình xây dựng luật và giám sát thực thi pháp luật. ThS. Phạm Thanh Nga và PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung đã trình bày về vấn đề “Tác động của Hiệp định tự thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với việc hoàn tiện chính sách pháp luật của Việt Nam”.

Trong phiên tiếp theo về lao động, TS. Nguyễn Thị Bích đã phân tích những cam kết mới của EVFTA và CPTPP đối với vấn đề lao động và đặc biệt là quyền tự do liên kết của người lao động. PGS. Trần Thị Thuỳ Dương đã trình về hiện tượng «phân mảnh» luật quốc tế trong các quy định về tiêu chuẩn lao động. Vấn đề này sau đó tiếp tục được phân tích trao đổi sôi nổi bởi cử toạ. TS. Đỗ Hải Hà đã phân tích về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và về việc cần khai thác chế định về xã hội dân sự để buộc các tập đoàn đa quốc gia chia sẻ nguồn lợi kinh tế cho người lao động ở Việt Nam.

Tiếp nối tại phiên thảo luận buổi chiều, hai vấn đề lớn được nêu ra là vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Phiên 3 gồm các tham luận về Thực thi cam kết bảo vệ môi trường trong Hiệp định CPTPP và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam của do ThS. Trần Linh Huân trình bày; Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những tác động đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên rừng do TS. Phạm Hồng Hạnh trình bày; và So sánh các quy định về quản lý biến đổi khí hậu của CPTPP và EVFTA: Những thách thức cho chính sách và pháp luật môi trường Việt Nam do PGS. Trần Việt Dũng trình bày. Các diễn giả đánh giá EVFTA và CPTPP sẽ giúp thúc đẩy quá trình rà soát và hoàn thiện các quy phạm bảo vệ môi trường tại Việt Nam việc rất cần thiết rất cần thiết cho phát triển bền vững, nhưng cũng cảnh báo cách tiếp cận cực hữu bỏ qua lợi ích tư cũng sẽ có tác động cản trở đầu tư nước ngoài.

Phiên 4 tập trung vào những vấn đề phi thương mại khác như quyền áp dụng biện pháp công của nhà nước trong trường hợp khẩn cấp, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử, tiêu chuẩn "SPS cộng" của FTA thế hệ mới. Các diễn giả ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy đã trình bày về quyền tiếp cận dược phẩm trong đại dịch COVID-19; ThS.NCS. Nguyễn Thị Lan Hương đã trình bày về chiến lược và học thuyết pháp lý mà nhà nước có thể vận dụng để hạn chế các vụ kiện ISDS; Bài tham luận của ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền và bài tham luận của ThS. Nguyễn Thái Hà và GS. Umut Turksen đã phân tích về khung pháp lý cho hoạt động thương mại và đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo của EVFTA. Trong khi đó ThS. Lê Trần Quốc Công và ThS.NCS. Nguyễn Thị Thu Thảo đã trình bày về vấn đề thực thi cam kết tự do dich chuyển dữ liệu cá nhân của FTA thế hệ mới và yêu cầu chứng cứ khoa học đối với các biện pháp SPS nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam. Diễn giả ThS. Jenifer Verrances và ThS. Lê Hồ Trung Hiếu đã trình bày về cơ hội của các nước ASEAN phát triển cơ chế chống tham nhũng thông qua việc tham gia CPTPP và EVFTA. Các chủ đề phiên 4 được hưởng ứng và tranh luận rất nhiều từ cử toạ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương gửi lời cảm ơn đến Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung đã luôn sát cánh với Trường Đại học Luật TP.HCM những năm vừa qua trong việc tạo ra các dự án có ích cho khoa học và cho cộng đồng. Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương cũng bày tỏ sự cảm kích đến các diễn giả, nhà khoa học cùng các sinh viên trẻ đã góp phần tạo nên thành công của buổi hội thảo.

Sau bốn phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong suốt 9 giờ đồng hồ với hơn 22 bài tham luận đến từ các diễn giả cả trong và ngoài nước, buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp, thành công đặt ra các vấn đề pháp lý chung về bảo vệ lợi ích phi thương mại cũng như đi sâu phân tích các khía cạnh khác, đưa ra các vấn đề cần chú trọng trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bảo vệ lợi ích phi thương mại trên thực tiễn.

---

Nguồn: Fanpage Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh (https://www.facebook.com/hcmulaw/posts/2981973821905916)