TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGẮN HẠN

  Lượt xem: 2167

Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong tháng 7 năm 2019

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2019

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 2019 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 7 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 10 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

2. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng;

3. Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ;

4. Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam;

5. Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

6. Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước;

7. Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

8. Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều;

9. Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

10. Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 24/2019/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Điều 3 Quyết định số 25/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.

Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng và mức trợ cấp, phụ cấp. Theo đó, (1) Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.624.000 đồng; (2) Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng gồm: Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B; (3) Trách nhiệm thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục, cụ thể: (1) Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; (2) Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; (3) Mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.

2. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.

Các văn bản quy phạm pháp luật sau hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật: (1) Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; (2) Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; (3) Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định thời hạn không kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ; (4) Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; (5) Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; (6) Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (7) Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; (8) Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; (9) Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 11 chương, 89 điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, cụ thể: (1) Nội dung, điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình, trường hợp từ chối yêu cầu giải trình, nội dung không thuộc phạm vi giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; (2) Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người thực hiện trách nhiệm giải trình; (3) Trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình; (4) Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng; (5) Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi giữ chức vụ; (6) Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng; (7) Kiểm soát xung đột lợi ích; (8) Vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi; (9) Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn; (10) Căn cứ tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; quyền và nghĩa vụ của người ra quyết định, người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; (11) Trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; hủy bỏ và công khai quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; (12) Chế độ, chính sách; bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp đối với người bị tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; (13) Các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước; (14) Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước; (15) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức; (16) Chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng; (17) Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; (18) Xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; (19) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng; (2) Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức này thực hiện các quy định tại Chương VII của Nghị định này.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi.

3. Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 9 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, quy định về:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, cụ thể: (1) Nguyên tắc đặt tên và xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ; (2) Điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; (3) Thành phần, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp; (4) Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở; (5) Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ, ngành, địa phương; (6) Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước; (7) Thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Mình và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ tại Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước; (8) Mẫu áp dụng khai hồ sơ đăng ký giải thưởng của tổ chức, cá nhân về khoa học và công nghệ.

- Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 5 và điểm d khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Mẫu áp dụng cho hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng; (2) Mẫu áp dụng khai hồ sơ đăng ký giải thưởng của tổ chức, cá nhân; (3) Mẫu áp dụng cho việc tổ chức xét tặng giải thưởng.

4. Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 8 năm 2019.

Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 13/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 45 điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cảnh sát biển Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung về: Thực hiện biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam; Chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; Kinh phí bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam; (2) Tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam; (3) Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam; (4) Cảnh phục, lễ phục của Cảnh sát biển Việt Nam; (5) Cờ hiệu, màu sắc và dấu hiệu nhận biết tàu thuyền, xuồng, máy bay của Cảnh sát biển Việt Nam; (6) Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ; (7) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các mẫu, cụ thể: (1) Cảnh hiệu; (2) Cấp hiệu cấp tướng; (3) Cấp hiệu sĩ quan; (4) Cấp hiệu quân nhân chuyên nghiệp; (5) Cấp hiệu học viên, hạ sĩ quan, binh sĩ; (6) Hình nền phù hiệu cấp tướng; (7) Hình nền phù hiệu cấp tá, cấp úy; (8) Cành tùng đơn cấp tướng; (9) Cành tùng đơn cấp tá, cấp úy; (10) Biểu tượng Cảnh sát biển Việt Nam; (11) Lôgô Cảnh sát biển Việt Nam; (12) Biển tên; (13) Lễ phục mùa đông của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; (14) Lễ phục mùa đông của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; (15) Lễ phục mùa hè của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; (16) Lễ phục mùa hè của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; (17) Lễ phục của đội danh dự và tiêu binh.

5. Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Nghị định này bãi bỏ: (1) khoản 4 Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; (2) khoản 7 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai đã được bổ sung tại khoản 11 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; (3) Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; (4) Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, cụ thể: (1) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (2) Quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (3) Quy định về thủ tục nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa khi chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp; (4) Sử dụng kinh phí hỗ trợ; (5) Tổ chức thực hiện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; (6) Quy định chuyển tiếp.

Ban hành kèm theo Nghị định này 08 Phụ lục, cụ thể: (1) Mẫu bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (2) Mẫu thông báo không tiếp nhận bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (3) Bảng kê khai diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp; (4) Mẫu dành cho cơ quan tổ chức đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; (5) Mẫu dành cho hộ gia đình, cá nhân đề nghị xác định tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; (6) Mẫu dành cho Sở Tài chính xác định tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa; (7) Mẫu báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; (8) Mẫu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

6. Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2019.

Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước và Nghị định số 58/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước và Nghị định số 58/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 67 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, cụ thể: (1) Quy định chung về: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; Áp dụng mức phạt tiền; (2) Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; (4) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (5) Vi phạm quy định, mức xử phạt trong quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; (6) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; (7) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (8) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (9) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; (10) Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; (11) Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức xử phạt về chi ngân sách nhà nước; (12) Vi phạm quy định, mức xử phạt về đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; (13) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; (14) Điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước (tổ chức được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này); (2) Người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; (3) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 9 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm sửa đổi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để phù hợp với thực tế.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, cụ thể: (1) Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (2) Định kỳ ba năm một lần hoặc khi thấy cần thiết, Chính phủ quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.