TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

VIỆN ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG

  Lượt xem: 2933

Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong tháng 8 năm 2019

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành

trong tháng 8 năm 2019

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2019 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 8 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 04 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

2. Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao;

3. Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

4. Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

2. Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2019.

Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 09 chương, 38 điều quy định về: (1) Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng; (2) Sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng; (3) Dự toán xây dựng và giá gói thầu xây dựng; (4) Định mức xây dựng; (5) Giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng; (6) Cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng; (7) Chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; (8) Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; (9) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng; (10) Quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng; (11) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Luật xây dựng, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng các quy định của Nghị định này để thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng, xác định chi phí đầu tư xây dựng làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các dự án sử dụng vốn khác.

2. Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2019.

Bãi bỏ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 19 điều quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi là Dự án BT) theo quy định của pháp luật, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc thanh toán Dự án BT bằng tài sản công; Xác định giá trị Dự án BT để thanh toán; (2) Sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT; (3) Sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT; (4) Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT; (5) Sử dụng tài sản công khác để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT; (6) Lập dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước đối với tài sản công thanh toán Dự án BT; (7) Tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi là Hợp đồng BT); (2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ủy quyền ký kết Hợp đồng BT hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết Hợp đồng BT và thực hiện Hợp đồng BT; (3) Nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng BT; (4) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện Dự án BT.

3. Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật công an nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 19 điều quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, cụ thể: (1) Nguyên tắc tuyển chọn; (2) Tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; (3) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm trong tuyển chọn, gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; (4) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Mẫu tờ khai đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

4. Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 69 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, cụ thể: (1) Quy định chung về: Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức; (2) Vi phạm yêu cầu về đảm bảo an toàn, điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất; (3) Vi phạm về sử dụng hóa chất, sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác; (4) Vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp; (5) Vi phạm hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử; vi phạm về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; (6) Vi phạm về phân loại hóa chất, phiếu an toàn hóa chất, khai báo hóa chất nhập khẩu; (7) Vi phạm biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; (8) Vi phạm về nội dung, chế độ báo cáo hoạt động hóa chất; (9) Vi phạm sản xuất, xuất nhập khẩu, khai báo, thanh sát hóa chất bảng; (10) Vi phạm quy định về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn; (11) Vi phạm quy định về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; (12) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính; (13) Điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này (Tổ chức được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này). Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

5. Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, bỏ khoản 3 Điều 2 “Bổ sung số thứ tự 11: Bảo hiểm nhân thọ” của Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2019.

Quyết định này bãi bỏ mục II, III, IV Phụ lục số IIa, IIb ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều quy định về: (1) Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020; (2) Tổ chức thực hiện; (3) Trách nhiệm thi hành.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập; người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ cổ phần, vốn góp; (2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định thành lập; người đại diện phần vốn góp của tập đoàn kinh tế, tổng công ty tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Ban hành kèm theo Quyết định này Phụ lục Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2019, Bộ Tư pháp xin thông báo./.

Tải toàn văn Thông cáo