TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO NGẮN HẠN

  Lượt xem: 3464

HỘI THẢO "NHẬN DIỆN NGHỀ LUẬT & ĐỊNH HƯỚNG TRANG BỊ KỸ NĂNG NGHỀ CHO SV"

HỘI THẢO "NHẬN DIỆN NGHỀ LUẬT & ĐỊNH HƯỚNG TRANG BỊ KỸ NĂNG NGHỀ CHO SINH VIÊN" 
Đơn vị tổ chức: Trung tâm Đào tạo ngắn hạn - Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh
-------------------------------------------

Với mục đích hướng đến sự thay đổi trong tư duy của tân cử nhân ngành luật từ “Tôi đi xin việc” thành “ Tôi mang cơ hội về nhân sự đến với Nhà tuyển dụng”, Trung tâm đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Nhận diện nghề Luật và định hướng trang bị kỹ năng nghề cho sinh viên” vào lúc 8 giờ ngày 13/03 tại hội trường A1002.

Hội thảo có sự tham dự của ThS. Trịnh Anh Nguyên – Giảng viên chính, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, PGS.TS. Phan Nhật Thanh – Phó trưởng khoa Luật Hành chính, ThS. Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm ĐBCL&PPGD và các khách mời là chuyên gia hành nghề Luật trong các lĩnh vực khác nhau, khối ngành khác nhau. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo không chỉ từ các bạn sinh viên Ulaw, mà còn thu hút các bạn sinh viên đến từ một số cơ sở đào tạo luật khác như Khoa Luật - Đại học Tôn Đức Thắng, Khoa Luật – Đại học Ngân hàng…

 

Chương trình diễn ra với hai phần : 

- Phần 01 : Các vị khách mời giới thiệu khái quát về nghề nghiệp của mình.
- Phần 02 : Các vị khách mời chia sẻ về con đường sự nghiệp của mình.

Ở phần 01, mỗi vị khách mời có 03 phút để giới thiệu sơ lược về bản thân cũng như đặc điểm nghề nghiệp của mình. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, các khách mời đã khái quát được những nét cơ bản của nghề Thẩm phán, Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại và nghề Giảng viên – một nghề không hề xa lạ với các sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM.

Trong thời gian chuyển giao giữa hai phần của buổi hội thảo, ThS. Trịnh Anh Nguyên đã trực tiếp tương tác với các bạn sinh viên để chia sẻ về những kỹ năng cần thiết khi làm việc và đi xin việc. Cụ thể, cô đã đưa ra những câu hỏi tưởng chừng đơn giản như: “Bạn có thật sự biết và quen với tất cả thành viên trong lớp?”, “Khi gửi bài làm nhóm cho giáo viên, bạn đặt tên tiêu đề mail như thế nào?”. Những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng tạo nên sự lúng túng và ngại ngùng cho các bạn sinh viên. Bởi lẽ, không phải ai cũng hiểu rõ và tự tin mình làm đúng trong những công việc thường ngày như thế này.

Ở phần 02, các khách mời chia sẻ chi tiết hơn về trải nghiệm nghề của mình. Theo TS. Nguyễn Văn Tráng – Trưởng văn phòng công chứng Hội nhập, nghề Công chứng viên có khó khăn lớn nhất là phải cân bằng lợi ích giữa các bên. Cụ thể, khách hàng của họ không chỉ có một bên và họ không thể bảo vệ hoàn toàn cho bên nào. Nói về một nghề lạ lẫm hơn, nghề thừa phát lại, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Phó trưởng văn phòng thừa phát lại quận Thủ Đức nhấn mạnh: ” Nghề thừa phát lại của chúng tôi làm việc 24/7, bất kể ngày đêm để phục vụ yêu cầu của khách hàng”. Chị cũng dẫn chứng một số câu chuyện vui nho nhỏ để không khí thêm phần thân thiện và để các bạn sinh viên có hình dung cụ thể về khó khăn của nghề này.

Nhắc đến những kỹ năng cơ bản để hành nghề luật sư, Luật sư Lê Thị Tuyết Dung – Giám đốc điều hành Victory LLC đã trình bày về kỹ năng phân tích và lập luận, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tiếp xúc khách hàng. Cũng là một luật sư, tuy nhiên, Luật sư Lê Văn Dụng – Giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo Share Law lại có những chia sẻ khác. Ông giải thích chi tiết về những vấn đề liên quan đến nghề pháp chế doanh nghiệp và những yêu cầu cần thiết mà sinh viên Luật cần học để có thể làm tốt công việc này.

Là đại diện duy nhất của Toà án, Thẩm phán Hoàng Hữu Thanh – Thẩm phán Trung cấp – Toà án nhân dân TP.HCM đã chia sẻ về “ Kiến thức và kỹ năng sinh viên cần có để làm việc trong môi trường Toà án”. Bài trình bày tuy ngắn gọn nhưng đã gửi nhiều thông điệp đến sinh viên và nêu lên điểm đặc biệt của nghề này là “ chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.


 

Hội thảo đã kết thúc thành công và tốt đẹp vào 11 giờ 30 phút cùng ngày. Mong rằng những chia sẻ của các khách mời sẽ giúp sinh viên có cái nhìn cụ thể hơn về từng lĩnh vực trong ngành Luật mà các bạn đã chọn.

 

-----------------------------------------------
Bài: Vũ Uyên - Ban Truyền thông ULAW

Ảnh: Duy Khang - Khoa Luật Quốc tế