KHOA LUẬT QUỐC TẾ - HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG “40 NĂM CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ 10 NĂM LUẬT BIỂN VIỆT NAM NĂM 2012 – VAI TRÒ, THÁCH THỨC VÀ HOÀN THIỆN”
Biển và đại dương không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, vận tải và hàng hải quốc tế mà còn có vị trí chiến lược về an ninh – quốc phòng đối với các quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của biển, ngày 10/12/1982 tại Montego Bay, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) đã được các quốc gia ký và chính thức có hiệu lực từ 16/11/1994. Sự ra đời của UNCLOS góp phần xây dựng khung pháp lý toàn diện, điều chỉnh các vấn đề liên quan biển và đại dương. Hiện nay UNCLOS đã có 169 quốc gia thành viên và luôn được viện dẫn khi giải quyết tranh chấp trên biển.
Với vị thế quốc gia ven biển, UNCLOS là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm và đề cao mục tiêu tuân thủ các quy định của UNCLOS. Kể từ khi trở thành thành viên của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Công ước, trong đó có Luật Biển Việt Nam năm 2012, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Những nội dung của Luật biển năm 2012 được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và đã hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Nhằm đánh giá những thành tựu và thách thức sau 40 năm hình thành và thực thi UNCLOS, đồng thời đóng góp những cơ sở pháp lý và giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến biển sau 10 năm Luật biển Việt Nam có hiệu lực, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề: “40 NĂM CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ 10 NĂM LUẬT BIỂN VIỆT NAM 2012 – VAI TRÒ, THÁCH THỨC VÀ HOÀN THIỆN”
Thông tin cụ thể về Hội thảo như sau:
- Thời gian: từ 08g00 ngày 14/6/2023
- Địa điểm: Phòng A1002 (số 2-4 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4)
Trân trọng kính mời Quý Thầy, Cô, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cá nhân có quan tâm tham dự Hội thảo.
KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI – HỘI THẢO KHOA HỌC “NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI”
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã xác định mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.” Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.
Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP) mặc dù đã có nhiều quy định nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách, nhưng thực tiễn thi hành đã tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần phải tháo gỡ. Hiện nay, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội lấy kiến và dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 19/6 sắp tới. Một trong số những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm đó chính là các quy định liên quan đến nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh đó, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Những vấn đề pháp lý về nhà ở xã hội” nhằm tạo diễn đàn trao đổi, nghiên cứu chuyên sâu và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, các thực tiễn từ phía các doanh nghiệp bất động sản, từ đó đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về nhà ở xã hội.
Thông tin cụ thể về Hội thảo như sau:
- Thời gian tổ chức: 1 buổi sáng, bắt đầu từ lúc 08h00, ngày 14 tháng 6 năm 2023 (thứ Tư);
- Địa điểm: Phòng A.502 - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP.HCM.
- Thành phần tham dự Hội thảo: Tất cả giảng viên Khoa Luật Thương mại; Giảng viên các khoa; NCS, học viên cao học chuyên ngành Luật kinh tế; cá nhân, tổ chức có quan tâm đến chủ đề hội thảo.
Ban Tổ chức trân trọng kính mời.
KHOA LUẬT DÂN SỰ - HỘI THẢO KHOA HỌC “NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ TRONG TRƯỜNG HỢP CHƯA CÓ ĐIỀU LUẬT ĐỂ ÁP DỤNG”
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Vậy trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết hay không, và căn cứ Tòa án sử dụng để giải quyết là gì?
Lần đầu tiên nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). Để thực hiện nguyên tắc này, Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Trải qua bảy năm thi hành, “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” đã dần dần khẳng định vai trò trong thực tiễn xét xử; mặc dù vậy cũng không thể tránh khỏi những bất cập, thiếu sót.
Để đóng góp những cơ sở lý luận, pháp lý cũng như những nghiên cứu về thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định về “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”, việc tổ chức Hội thảo “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” là cần thiết cả về khía cạnh lý luận và thực tiễn. Mục tiêu của Hội thảo: (i) Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”; (ii) Luận giải những quy định pháp luật Việt Nam về “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” đồng thời chỉ ra những điểm còn hạn chế trong quy định pháp luật; (iii) Bình luận các bản án, quyết định của Tòa án để thông qua đó chỉ ra những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng” vào giải quyết vụ việc dân sự; (iv) So sánh quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật của một số quốc gia về vấn đề có liên quan để từ đó học hỏi những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam; (v) Đưa ra một số kiến nghị nhằm sửa đổi những điểm bất cập, hạn chế của quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng “Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”.
Thông tin cụ thể về Hội thảo như sau:
- Thời gian tổ chức: 01 buổi sáng, bắt đầu từ lúc 08h00, ngày 14 tháng 6 năm 2023 (thứ Tư);
- Địa điểm: Phòng A.803 - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP.HCM.
- Thành phần tham dự Hội thảo: Tất cả giảng viên Khoa Luật Dân sự; Giảng viên các khoa; NCS, học viên cao học chuyên ngành Luật dân sự và Tố tụng dân sự, sinh viên; cá nhân, tổ chức có quan tâm đến chủ đề hội thảo.
Ban Tổ chức trân trọng kính mời.
KHOA LUẬT HÀNH CHÍNH – NHÀ NƯỚC – HỘI THẢO KHOA HỌC “HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT KHIẾU NẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY”
Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 (Luật Khiếu nại 2011) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện, Luật Khiếu nại 2011 đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan và tổ chức cũng như trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, thực tiễn khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thời gian qua còn có những hạn chế, thiếu sót nhất định như: tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại còn thấp, tiến độ giải quyết chậm, chất lượng, hiệu quả giải quyết nại chưa cao, nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại chưa đúng quy định của pháp luật,… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quy định của pháp luật về khiếu nại đã bộc lộ những bất cập nhất định. Vì vậy, các quy định của pháp luật về khiếu nại cần phải sớm được hoàn thiện.
Để đóng góp những cơ sở lý luận và pháp lý cho việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, việc tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại ở Việt Nam hiện nay” trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa cấp thiết về khoa học pháp lý và khoa học thực tiễn. Hội thảo đặt ra các mục tiêu cụ thể sau: i) Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; ii) Luận giải những quy định của Luật Khiếu nại 2011 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; iii) Đánh giá những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật về khiếu nai; iv) Làm rõ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật khiếu nại; v) Kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hạn chế đối với những quy định của pháp luật khiếu nại.
Hội thảo dự kiến diễn ra trong hai phiên cùng sự tham gia của các Nhà khoa học trong và ngoài trường. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết chất lượng của các tác giả đến từ nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau với nhiều chủ đề đa dạng tập trung vào việc góp ý sửa đổi các quy định trong Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản có liên quan. Hội thảo hứa hẹn sẽ tạo diễn đàn pháp lý để trao đổi những vấn đề lý luận, những quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật khiếu nại, từ đó đưa ra những kiến nghị, góp ý đối với pháp luật khiếu nại hiện hành.
Thông tin cụ thể về Hội thảo như sau:
- Thời gian tổ chức: 08h00, ngày 14 tháng 6 năm 2023 (thứ Tư);
- Địa điểm: Phòng A.1002 - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP.HCM.
Trân trọng kính mời quý đại biểu tham dự.
Nguồn: https://hcmulaw.edu.vn/vi/hoat-dong-khoa-hoc-hop-tac-quoc-te/khoa-luat-hanh-chinh-nha-nuoc-truong-dh-luat-tp-hcm-se-to-chuc-hoi-thao-hoan-thien-phap-luat-khieu-nai-o-viet-nam-hien-nay-vao-ngay-14-6-2023